Giò lụa nghi khiến 5 người ngộ độc sản xuất ở cơ sở không phép

Giò lụa nghi khiến 5 người ngộ độc sản xuất ở cơ sở không phép

TP HCM Phòng Y tế TP Thủ Đức xác định giò lụa – nghi khiến 5 người ăn bị ngộ độc botulinum – được sản xuất thủ công tại cơ sở hoạt động gần hai tháng nhưng không có giấy phép.

Tối 20/5, trả lời VnExpress, ông Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức cho hay đã kiểm tra cơ sở này sau khi nhận được thông tin có người ngộ độc botulinum do ăn giò lụa từ người bán dạo, hôm 15/5. Cơ sở hoạt động theo diện kinh doanh nhỏ lẻ của hộ gia đình, không có giấy tờ pháp lý và bảng hiệu, giò lụa được làm thủ công.

Mẫu thực phẩm đã được gửi xét nghiệm, đang chờ kết quả. Cơ sở bị ngưng hoạt động. Theo ông Khuôn, kết quả điều tra của Phòng Y tế TP Thủ Đức cho thấy người bán dạo làm công tại một lò bánh mì, và lò này nhập giò lụa tại cơ sở trên.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay vụ việc đang được công an điều tra, hiện chưa kết luận nguyên nhân gây ngộ độc botulinum. Còn ông Khuôn cho rằng “không loại trừ trường hợp người bán giò lụa đảm bảo an toàn nhưng người sử dụng lại bảo quản không đúng cách gây ngộ độc”.

Phòng Y tế TP Thủ Đức chỉ đạo các phường trên địa bàn kiểm tra hoạt động những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tại đây.

Giò lụa nghi khiến 5 người ngộ độc sản xuất ở cơ sở không phép
Bác sĩ khám cho một trong ba bệnh nhi ngộ độc botulinum (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Từ ngày 13/5 đến nay, lần lượt 5 người ở TP Thủ Đức được xác định ngộ độc botulinum do ăn giò lụa bán dạo. Trong đó, ba em bé 10-14 tuổi đã được dùng thuốc giải độc, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Hai ca còn lại hiện nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng đã hết thuốc giải độc, bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Trong thời gian này, một người khác – ca thứ 6 – ngộ độc botulinum nghi do ăn mắm, đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí – loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.

Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.

Nguồn: vnexpress

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *